Suy niệm Lời Chúa hằng ngày – Tuần III Mùa chay năm C

THỨ HAI TUẦN III MÙA CHAY NĂM C

TIN MỪNG: Lc 4, 24 – 30

24 Khi đến Na-da-rét, Đức Giê-su nói với dân chúng trong hội đường rằng : “Tôi bảo thật các ông : không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.

25 “Thật vậy, tôi nói cho các ông hay : vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en ; 26 thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn. 27 Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi.”

28 Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. 29 Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành -thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. 30 Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.

SUY NIỆM:

Nhận Ra Ân Huệ Của Thiên Chúa 

Lời Chúa hôm nay thuật lại một sự kiện đáng suy ngẫm trong cuộc đời Chúa Giêsu. Ngài trở về quê hương của mình, nơi Ngài đã lớn lên, để rao giảng Tin Mừng. Tuy nhiên, những người cùng quê lại không đón nhận lời Ngài. Thay vì mở lòng để lắng nghe, họ tỏ thái độ khinh thường, vì nghĩ rằng họ đã quá quen thuộc với Chúa Giêsu, con trai của một người thợ mộc trong làng.

Trước thái độ từ chối của dân chúng, Chúa Giêsu đã đưa ra hai ví dụ: câu chuyện về bà góa ở Sarepta thời ngôn sứ Êlia và Naaman, một viên tướng ngoại bang thời ngôn sứ Êlisa. Qua đó, Ngài nhấn mạnh rằng ân huệ của Thiên Chúa không bị giới hạn bởi ranh giới hay lòng người, nhưng dành cho tất cả những ai biết mở lòng đón nhận. Hai nhân vật này đều không thuộc dân Israel, nhưng họ nhận được phép lạ nhờ lòng tin tưởng và thái độ sẵn sàng.

Vì vậy, Tin Mừng hôm nay nhắc nhở mỗi người chúng ta phải cẩn thận với tâm lý quen thuộc và định kiến của mỗi người. Đôi khi, chúng ta dễ dàng bỏ qua ân huệ mà Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta trong cuộc sống hằng ngày. Giống như dân làng Nazareth đã không nhận ra Con Thiên Chúa ngay khi Ngài đang ở giữa họ, chúng ta cũng có thể lãng quên sự hiện diện của Ngài trong chính trong chính cuộc sống của mình; qua những biến cố trong cuộc sống; trong những thành viên trong gia đình, trong các công việc bổn phận, nhất là trong Thánh lễ và các bí tích.

Chính vì vậy Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy mở rộng tâm hồn, con tim của mình để nhận ra và trân trọng những ân huệ mà Thiên Chúa đã và đang ban tặng hằng ngày trong cuộc sống của chúng ta. Đừng để sự tự mãn hay định kiến làm mờ mắt chúng ta. Đồng thời chúng ta cũng cần học cách nhìn nhận và sống tâm tình biết ơn với những phúc lành mà Thiên Chúa đã quảng đại trao ban mà chúng ta đang hưởng nhận.

Lạy Chúa, Xin Chúa ban cho chúng ta đôi mắt đức tin để nhìn thấy Ngài trong mọi sự và đôi tai nhạy bén để lắng nghe lời mời gọi của Ngài trong cuộc sống thường ngày của chúng con. Amen.

 

THỨ BA TUẦN III MÙA CHAY NĂM C: LỄ TRUYỀN TIN

TIN MỪNG: Lc 1, 26 – 38

26 Khi ấy, bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.

28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói : “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” 29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

30 Sứ thần liền nói : “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”

34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần : “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng ?”

35 Sứ thần đáp : “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà ; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai : bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, 37 vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”

38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói với sứ thần : “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

SUY NIỆM: 

MẸ MARIA – MẪU GƯƠNG CỦA LÒNG TÍN THÁC

Tin Mừng Luca thuật lại biến cố Truyền Tin, khi sứ thần Gabriel được Thiên Chúa đến với Trinh Nữ Maria để báo tin Mẹ sẽ cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu Thế. Đây là một sự kiện quan trọng trong chương trình của Thiên Chúa, mở ra một trang sử mới cho nhân loại. Qua biến cố này, Mẹ Maria trở thành khuôn mẫu tuyệt vời của đức tin, sự khiêm nhường và lòng tín thác vào Thiên Chúa.

Trước lời chào của sứ thần: “Mừng vui lên, trảng đầy ân huệ, Đức Chúa ở cùng bà!” (Lc 1,28), Mẹ Maria bối rối vì không hiểu điều gì đang xảy ra. Nhưng thay vì sợ hãi, Mẹ Khiêm tốn lắng nghe: “Việc đó xảy ra cách nào được, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” (Lc 1,34). Câu hỏi ấy không xuất phát từ sự nghi ngờ nhưng từ sự chân thành và lòng tín thác. Khi sứ thần giải thích rằng việc thụ thai này là do quyền năng Chúa Thánh Thần, Mẹ đã thưa lên lời “xin vâng” đầy phó thác: “Tôi là nữ tỳ của Chúa, xin chúa làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1,38).

Câu trả lời không chỉ là một sự chấp nhận mà còn là một hành động hiến dâng hoàn toàn của Mẹ cho kế hoạch của Thiên Chúa. Mẹ không biết trước tương lai sẽ ra sao, không biết con đường phía trước có những khó khăn gì, nhưng Mẹ hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa. Sự trả lời không miễn cưỡng mà tràn đầy niềm tin và tình yêu.

Qua thái độ của Mẹ Maria, mỗi người được mời gọi học nơi Mẹ sự khiêm nhường, lắng nghe và tín thác vào Thiên Chúa. Trong cuộc sống, có nhiều lúc chúng con cũng phải đối mặt với những điều bất ngờ, những thử thách và đau khổ. xin cho chúng con biết noi gương Mẹ Maria, biết thưa lời “xin vâng” để Chúa thực hiện ý định tốt đẹp của Ngài trên cuộc đời chúng con.

Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con biết mở lòng lắng nghe lời Chúa, sống đức tin cứng rắn và sẵn sàng thưa “xin vâng” với Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Amen.

 

THỨ TƯ TUẦN III MÙA CHAY NĂM C

TIN MỪNG: Mt 5, 17 – 19

17 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. 18 Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. 19 Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.”

SUY NIỆM:

Luật Chúa – Con Đường Dẫn Đến Hạnh Phúc

Trong cuộc sống, ai cũng khao khát hạnh phúc, nhưng không phải ai cũng biết con đường để đạt được điều đó. Có người tìm kiếm hạnh phúc nơi tiền bạc, danh vọng, lạc thú, nhưng rồi nhận ra chúng chỉ mang lại niềm vui thoáng qua. Có người lại nghĩ rằng hạnh phúc là được tự do làm theo ý mình, không bị ràng buộc bởi bất cứ luật lệ nào. Tuy nhiên, Chúa giê-su trong Tin mừng hôm nay khẳng định với chúng ta rằng Ngài đến để “kiện toàn lề luật” nghĩa là Ngài làm cho luật ấy trở nên con đường chắc chắn dẫn đến hạnh phúc đích thực. bởi vì:

Luật Chúa giúp ta sống theo ý muốn của Thiên Chúa: Thiên Chúa là Đấng tạo dựng và yêu thương con người, nên những giới răn của Ngài không phải để áp đặt hay giới hạn tự do của chúng ta, nhưng là để hướng dẫn ta đến một cuộc sống viên mãn. Giống như đèn tín hiệu giao thông giúp con đường an toàn, Luật Chúa giúp chúng ta đi đúng hướng, tránh những con đường sai lầm dẫn đến đau khổ và diệt vong.

Luật Chúa giúp ta tránh xa tội lỗi và hậu quả xấu: Tội lỗi mang lại sự bất an, chia rẽ và đau khổ. Khi chúng ta không sống theo luật Chúa, chúng ta sẽ bị ngập lụt trong bạo lực, gian dối, thù hận và bất công. Ngược lại, khi tuân giữ các điều răn của Chúa – như không tham lam, không gian dối, không oán hận – chúng ta sẽ xây dựng một đời sống bình an và hạnh phúc thực sự.

Luật Chúa dạy ta yêu thương và sống bác ái: Đức Giêsu dạy rằng tất cả Luật Chúa được tóm gọn trong hai điều: “Mến Chúa trên hết mọi sự và yêu người như chính mình.” (Mt 22,37-39). Khi sống theo luật yêu thương, ta biết tha thứ, cảm thông và giúp đỡ nhau, từ đó tạo nên những mối quan hệ bền vững và một xã hội an bình. Thực tế cho thấy, những người biết sống quảng đại và yêu thương luôn có một cuộc sống ý nghĩa và hạnh phúc hơn những người chỉ biết sống cho bản thân.

Luật Chúa hướng dẫn ta đến sự sống đời đời: kinh nghiệm cuộc sống cho chúng ta thấy rằng, Hạnh phúc thật không chỉ giới hạn trong cuộc sống này mà còn mở ra đến sự sống vĩnh cửu với Thiên Chúa. Giữ Luật Chúa không chỉ giúp chúng ta sống tốt ở đời này, mà còn là hành trang để chúng ta đạt đến hạnh phúc muôn đời trong Nước Chúa.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết yêu mến và tuân giữ Luật Chúa không phải vì sợ hãi, nhưng vì nhận ra rằng đó chính là con đường dẫn đến bình an và hạnh phúc đích thực. Xin giúp chúng con luôn bước đi trong ánh sáng của Chúa, để mỗi ngày trở nên hoàn thiện hơn trong tình yêu và ân sủng của Ngài. Amen.

 

THỨ NĂM TUẦN III MÙA CHAY NĂM C

TIN MỪNG: Lc 11, 14 – 23

14 Khi ấy, Đức Giê-su trừ một tên quỷ, và nó là quỷ câm. Khi quỷ xuất rồi, thì người câm nói được. Đám đông lấy làm ngạc nhiên. 15 Nhưng trong số đó có mấy người lại bảo : “Ông ấy dựa thế quỷ vương Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ.” 16 Kẻ khác lại muốn thử Người, nên đã đòi Người một dấu lạ từ trời. 17 Nhưng Người biết tư tưởng của họ, nên nói : “Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn, nhà nọ đổ xuống nhà kia. 18 Nếu Xa-tan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được ?… bởi lẽ các ông nói tôi dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ. 19 Nếu tôi dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ, thì con cái các ông dựa thế ai mà trừ ? Bởi vậy, chính họ sẽ xét xử các ông. 20 Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông. 21 Khi một người mạnh được vũ trang đầy đủ canh giữ lâu đài của mình, thì của cải người ấy được an toàn. 22 Nhưng nếu có người mạnh thế hơn đột nhập và thắng được người ấy, thì sẽ tước lấy vũ khí mà người ấy vẫn tin tưởng và sẽ đem phân phát những gì đã lấy được.

23 “Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán.”

SUY NIỆM:

Nhạy Bén Với Dấu Chỉ Của Thiên Chúa

Lời Chúa hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu trừ quỷ cho một người bị quỷ ám, một hành động thể hiện quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa. Thế nhưng, thay vì đón nhận với lòng tin và biết ơn, những người Do Thái lại cứng lòng, xuyên tạc và gán cho Ngài tội thông đồng với quỷ: “Ông ấy dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ” (Lc 11,15).

Thái độ của những người Do Thái xưa có lẽ cũng phản ánh chính chúng ta hôm nay. Trước những biến cố xảy ra trong cuộc sống, Thiên Chúa luôn gửi đến những dấu chỉ để mời gọi chúng ta hoán cải, nhưng thay vì mở lòng đón nhận, chúng ta lại dễ dàng gán cho những biến cố đó là sự trừng phạt, sự bất công, hay sự thử thách vô nghĩa của Chúa.

Trong thời gian đại dịch, biết bao người đã ra đi, biết bao gia đình mất đi người thân. Đó là một lời nhắc nhở về sự mong manh của kiếp người, để chúng ta biết hướng lòng mình về những giá trị vĩnh cửu, nhưng có khi chúng ta lại trách móc Thiên Chúa, cho rằng Ngài quá vô tâm khi  giáng phạt nhân loại điều này.

Trong những khó khăn, thử thách của cuộc sống, lẽ ra chúng ta cần tin tưởng hơn vào sự quan phòng của Chúa và đặc biệt nhật ra đó là những dấu chỉ thời đại của Chúa gởi đến cho chúng ta, nhưng thay vì vậy, chúng ta lại hoài nghi, nghĩ rằng Thiên Chúa không lắng nghe lời cầu xin và đang giáng phạt mình.

Mùa Chay đã đi được một nửa chặng đường. Giáo Hội vẫn đang hằng ngày tha thiết mời gọi chúng ta sám hối. Qua những biến cố trong gia đình, trong xã hội, trong chiến tranh, trong tiếng lương tâm, Chúa đang mời gọi chúng ta nhìn lại đời sống của mình và hoán cải. Ngài không ngừng gõ cửa trái tim, tâm hồn chúng ta, nhưng liệu chúng ta có nhạy bén để nhận ra không?

Lạy Chúa, xin ban cho con một tâm hồn biết lắng nghe, nhạy bén trước những dấu chỉ của Chúa trong cuộc đời. Xin đừng để con cứng lòng hay chối từ tình yêu của Chúa qua những biến cố, sự kiện trong cuộc sống, nhưng biết sẵn sàng hoán cải để đón nhận ơn cứu độ mà Chúa đã thương ban qua cái chết và phục sinh của Đức Kitô. Amen.

 

THỨ SÁU TUẦN III MÙA CHAY NĂM C

TIN MỪNG: Mc 12, 28b – 34

28b Khi ấy, có một người trong các kinh sư đến gần Đức Giê-su và hỏi rằng : “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng hàng đầu ?” 29 Đức Giê-su trả lời : “Điều răn đứng hàng đầu là : Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. 30 Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. 31 Điều răn thứ hai là : Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.” 32 Ông kinh sư nói với Đức Giê-su : “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. 33 Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” 34 Đức Giê-su thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo : “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu !” Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa.

SUY NIỆM:

SỐNG GIỚI RĂN YÊU THƯƠNG
CỐT LÕI CỦA ĐỜI SỐNG KITÔ HỮU

Tin Mừng hôm nay thuật lại cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và một vị kinh sư về điều răn quan trọng nhất. Qua đó, Chúa Giê-su khẳng định: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi” và “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12,30-31). Hai điều răn này không thể tách rời, mà cùng làm nên cốt lõi của đời sống đức tin Kitô hữu.

Trước hết, Yêu mến Thiên Chúa nghĩa là đặt Ngài làm trung tâm của cuộc đời, sống trong sự vâng phục thánh ý Ngài và duy trì mối tương quan mật thiết với Ngài. Tình yêu này không chỉ dừng lại ở cảm xúc hay lời nói, mà còn được thể hiện qua lòng trung tín, sự vâng phục và khao khát tìm kiếm Chúa mỗi ngày. Khi thực sự yêu mến Chúa, chúng ta để Người hướng dẫn suy nghĩ, lời nói và hành động. Tình yêu ấy được thể hiện rõ qua việc chúng ta siêng năng tham dự Thánh Lễ, đọc kinh, cầu nguyện, học hỏi Lời Chúa và giáo lý Hội Thánh.

Bên cạnh đó, tình yêu dành cho Thiên Chúa không thể chỉ dừng lại trong mối tương quan cá nhân với Ngài, mà cần được biểu lộ qua tình yêu với tha nhân. Thánh Gioan nhấn mạnh: “Ai không yêu thương anh em mình mà họ thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không thấy” (1 Ga 4,20). Vì vậy, yêu thương tha nhân chính là cách cụ thể để diễn tả lòng yêu mến Thiên Chúa. Vì vậy, tình yêu này cần được thể hiện qua việc lắng nghe, chia sẻ, giúp đỡ những người khó khăn, tha thứ cho người làm tổn thương mình, và sống đời công bằng, bác ái.

Khi thực hành hai điều răn “mến Chúa, yêu người” trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta không chỉ hoàn thành giới răn của Chúa mà còn trở thành chứng nhân sống động giữa thế gian.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con trái tim tràn đầy yêu thương, để chúng con biết yêu mến Chúa trên hết mọi sự và yêu thương anh chị em như chính mình. Amen.

 

THỨ BẢY TUẦN III MÙA CHAY NĂM C

TIN MỪNG: Lc 18, 9 – 14

9 Khi ấy, Đức Giê-su kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác : 10 “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế. 11 Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng : ‘Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác : tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. 12 Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.’ 13 Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng : ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.’ 14 Tôi nói cho các ông biết : người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi ; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

SUY NIỆM:

KHIÊM NHƯỜNG

CHÌA KHÓA ĐÓN NHẬN LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA

Tin Mừng hôm nay thuật lại dụ ngôn về hai người lên đền thờ cầu nguyện: một người Pharisêu và một người thu thuế. Người Pharisêu tự hào về sự công chính của mình, kể lể những việc lành mình đã làm, trong khi người thu thuế chỉ cúi đầu, đấm ngực, kêu xin: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13). Chúa Giêsu khẳng định rằng Thiên Chúa đã nhận lời cầu nguyện của người thu thuế, bởi vì ông đã cầu xin với tâm hồn khiêm nhường. Điều này cho thấy rằng khiêm nhường chính là điều kiện để đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa.

Khiêm nhường giúp ta nhìn thấy con người thật của mình. Người thu thuế không tự hào về bản thân những gì ông có, nhưng nhận ra sự yếu đuối và tội lỗi của mình trước mặt Thiên Chúa. Chỉ khi ý thức về sự bất toàn của mình, chúng ta mới có thể mở lòng ra để đón nhận ơn tha thứ. Nếu tự mãn, chúng ta dễ rơi vào ảo tưởng rằng mình không cần đến lòng thương xót của Chúa.

Khiêm nhường giúp ta nhận ra thân phận giới hạn của mình và sự nguy hiểm của tội lỗi. Khi đối diện với chính mình trong sự thật, chúng ta thấy rõ những thiếu sót, những sa ngã của bản thân, từ đó khát khao được Thiên Chúa biến đổi. Như người thu thuế, chúng ta cần có thái độ thành khẩn khi đến với Chúa, không biện minh, không che đậy, nhưng với tâm tình khiêm tốn xin Ngài cứu giúp.

Khiêm nhường giúp ta nhận ra chỉ có Thiên Chúa mới có thể cứu độ mình. Người Pharisêu tin vào sự công chính của mình, nhưng người thu thuế tin vào lòng thương xót của Chúa. Đứng trước sự thánh thiện tuyệt đối của Ngài, không ai có thể tự xưng là công chính. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể thanh tẩy, chữa lành và ban ơn cứu độ cho con người.

Khiêm nhường để cậy dựa vào Chúa. Khiêm nhường không phải là tự ti, nhưng là thái độ đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa. Chúng ta không cậy vào sức riêng, nhưng phó thác hoàn toàn trong bàn tay yêu thương của Ngài. Khi ta đến với Chúa với lòng đơn sơ, cậy trông và tín thác, Ngài sẽ đổ tràn ơn lành và nâng ta lên.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một tâm hồn khiêm nhường, để chúng con luôn ý thức thân phận yếu đuối của mình, biết chạy đến với lòng thương xót Chúa và tín thác hoàn toàn vào Ngài. Amen.

LM. PHAOLO