Suy niệm Lời Chúa hằng ngày – Tuần III Mùa vọng năm C

THỨ HAI SAU CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C

TIN MỪNG: Mt 21,23 – 27

Khi ấy, Đức Giê-su vào Đền Thờ, và trong khi Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ mục trong dân đến gần Người và hỏi : “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy ? Ai đã cho ông quyền ấy ?” Đức Giê-su đáp : “Còn tôi, tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi ; nếu các ông trả lời được cho tôi, thì tôi cũng sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. Vậy, phép rửa của ông Gio-an do đâu mà có ? Do Trời hay do người ta ?” Họ mới nghĩ thầm : “Nếu mình nói : ‘Do Trời’, thì ông ấy sẽ vặn lại: ‘Thế sao các ông lại không tin ông ấy ?’ Còn nếu mình nói : ‘Do người ta’, thì mình sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gio-an là một ngôn sứ.” Họ mới trả lời Đức Giê-su : “Chúng tôi không biết.” Người cũng nói với họ : “Tôi cũng vậy, tôi không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.”

SUY NIỆM:

Khi chứng kiến những phép lạ, những điều lạ lùng mà Chúa Giêsu đã thực hiện, giới lãnh đạo Do thái ngạc nhiên và hỏi: “Ai đã cho ông quyền ấy?” Thật ra, Chúa Giêsu biết rõ họ muốn hỏi gì. Chúa Giêsu cũng biết họ là những người cũng đang mong đợi Đấng Mêsia đến, nhưng lại là một Đấng Mêsia trần thế, một Đấng Mêsia giải phóng dân Do thái khỏi ách thống trị của người Rôma. Đấng Mêsia mà họ trông đợi hoàn toàn trái ngược với một Đấng Mêsia của Thiên Chúa. Thế nên, Chúa Giêsu đã không trả lời về một Sự Thật.

Sự thật đó là, chính Ngài là Đấng Mêsia, là Con Thiên Chúa, xuống thế làm người và là vua muôn vua, để cứu độ con người bằng con đường thập giá, chứ không phải qua con đường của vua trần gian.

Thưa cộng đoàn, qua cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với các Thượng tế và kỳ mục hôm nay, cho chúng ta ba bài học.

Bài học thứ nhất, chắc chắn sự thật buộc chúng ta: phải sống, phải nói và phải hành động. Chúa Giêsu đã sống sự thật như vậy.

Nhưng Ngài cũng cho chúng ta thêm bài học thứ hai, đó là: “Không phải sự thật nào cũng phải nói ra”. 

Bài học thứ ba, trong cuộc sống, chúng ta hãy cố gắng nói lời tốt đẹp với nhau, đừng lấy lời cay đắng, độc địa để làm trò đùa mà châm chích người khác. Chúng ta sẽ dừng lại ở bài học thứ ba này nhiều hơn.

Trong bài đọc 1, sách Dân số thuật lại câu chuyện: Balaam là một thầy bói ngoại giáo rất nổi tiếng. Ông được kẻ thù của dân Do Thái ba lần thuê mướn với lễ vật hậu hỹ, để ông đi trù ẻo những người Do Thái. Cả ba lần ông đi, đều bị con lừa của ông phá đám, không cho ông thực hiện công việc xấu xa đó. Ông đánh đập con lừa, thế nhưng Chúa cho nó lên tiếng nói. Nó mắng lại ý đồ đen tối và sự tham lam của ông. Cuối cùng, ông đã nhận ra sự thật, và khi đi đến doanh trại người Do Thái; thay vì ông trù ẻo như kẻ thù mong muốn thì ông lại tuyên sấm ca tụng dân Do Thái. Hơn nữa, thay vì trù ẻo, Balaam lại tiên báo một vì sao sáng sẽ mọc lên, một phủ việt của nhà vua sẽ xuất hiện: đó là Đức Giêsu Kitô.

Chúng ta cũng hãy bắt chước Balaam để luôn biết nói lên những lời hay ý đẹp làm đẹp lòng mọi người, để cuộc sống chung quanh chúng ta mỗi ngày được trở nên tốt đẹp và đầy tình người hơn.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa giúp chúng con biết sống trong sự thật, tôn trọng sự thật và dám đón nhận sự thật khi được người khác góp ý. Xin Chúa cũng giúp chúng con khôn khéo và tìm ý Chúa khi nói sự thật, để sự thật đó không làm mất lòng người khác, hạ nhân phẩm người khác, không làm người khác phải mất bình an. Và xin Chúa giúp mỗi người chúng con luôn biết nhìn lên Chúa trước khi công bố một sự thật nào đó. Amen.

THỨ BA SAU CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C

TIN MỪNG: Mt 1,1-17

Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu ông Áp-ra-ham :

Ông Áp-ra-ham sinh I-xa-ác ; I-xa-ác sinh Gia-cóp ; Gia-cóp sinh Giu-đa và các anh em ông này; Giu-đa ăn ở với Ta-ma sinh Pe-rét và De-rác ; Pe-rét sinh Khét-xơ-ron ; Khét-xơ-ron sinh A-ram; A-ram sinh Am-mi-na-đáp ; Am-mi-na-đáp sinh Nác-son ; Nác-son sinh Xan-môn; Xan-môn lấy Ra-kháp sinh Bô-át ; Bô-át lấy Rút sinh Ô-vết ; Ô-vết sinh Gie-sê ; Gie-sê sinh Đa-vít.

Vua Đa-vít lấy vợ ông U-ri-gia sinh Sa-lô-môn; Sa-lô-môn sinh Rơ-kháp-am ; Rơ-kháp-am sinh A-vi-gia ; A-vi-gia sinh A-xa ; A-xa sinh Giơ-hô-sa-phát ; Giơ-hô-sa-phát sinh Giô-ram ; Giô-ram sinh Út-di-gia ; Út-di-gia sinh Gio-tham ; Gio-tham sinh A-khát ; A-khát sinh Khít-ki-gia ; Khít-ki-gia sinh Mơ-na-se ; Mơ-na-se sinh A-môn ; A-môn sinh Giô-si-gia ; Giô-si-gia sinh Giơ-khon-gia và các anh em vua này ; kế đó là thời lưu đày ở Ba-by-lon.

Sau thời lưu đày ở Ba-by-lon, Giơ-khon-gia sinh San-ti-ên ; San-ti-ên sinh Dơ-rúp-ba-ven; Dơ-rúp-ba-ven sinh A-vi-hút ; A-vi-hút sinh En-gia-kim ; En-gia-kim sinh A-do; A-do sinh Xa-đốc; Xa-đốc sinh A-khin ; A-khin sinh Ê-li-hút ; Ê-li-hút sinh E-la-da ; E-la-da sinh Mát-than ; Mát-than sinh Gia-cóp ; Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.

Như thế, tính chung lại thì : từ ông Áp-ra-ham đến vua Đa-vít, là mười bốn đời ; từ vua Đa-vít đến thời lưu đày ở Ba-by-lon, là mười bốn đời ; và từ thời lưu đày ở Ba-by-lon đến Đức Ki-tô, cũng là mười bốn đời.

SUY NIỆM:

Thông thường khi viết gia phả của một dòng họ, người ta có ý chọn những điểm tốt để ghi lại và tránh nhắc đến những gì lầm lỗi, thiếu sót của cha ông. Nhưng trong gia phả của Chúa Giêsu, thánh sử Mátthêu dường như không tránh né những “điểm tối”. Cụ thể, tất cả những tội lỗi có trong trần gian dường như đều được phơi bày trong gia phả của Ngài. Về tội dùng mưu mẹo để hại người, chúng ta thấy ngay điều đó ở Đavít. Về tội thờ ngẫu tượng, thì một con người nổi tiếng về sự khôn ngoan như vua Salômon cũng vẫn vướng vào tội ấy.

Về phía các phụ nữ trong gia phả, năm người được nhắc đến tên, thì duy chỉ có Mẹ Maria là vẹn tuyền, các bà còn lại, mỗi bà mỗi khiếm khuyết, bất toàn. Nhưng chính trong dòng dõi nhân loại ngập chìm trong tội lụy đó, Thiên Chúa đã can thiệp vào để cho xuất hiện Đấng Cứu Thế là Đức Giêsu Kitô, Đấng dẫn đưa nhân loại ra khỏi bóng tối tội lỗi.

Thật vậy, thánh sử Mátthêu ghi lại cẩn thận rằng từ Ápraham đến vua Đavít là 14 đời, từ vua Đavít đến thời lưu đày là 14 đời, từ thời lưu đày đến Chúa Giêsu là 14 đời. Với người Do thái, nói đến số 14, người ta hiểu ngay là con số ám chỉ về vua Đavít. Từ thời lưu đày đến Chúa Giêsu thực tế ra chỉ có 13 đời, nhưng thánh Giuse vẫn được tính là đời thứ 12 và Chúa Giêsu vẫn được tính là đời thứ 14, còn đời thứ 13 để trống, nghĩa là để chính Thiên Chúa can thiệp vào và nhờ vậy nhân loại có một vua Đavít mới là Chúa Giêsu, khác hẳn vua Đavít cũ; Vua Đavít mới sẽ thiết lập một triều đại thái bình thịnh trị đến muôn đời cho nhân loại.

Hôm nay là ngày 17 tháng 12, bạn và tôi được Mẹ Giáo Hội mời gọi bước vào những ngày chuẩn bị đặc biệt để đón mừng Đấng Cứu Thế đến trong nhân loại. Bạn và tôi đều thuộc dòng dõi của một nhân loại ngập chìm trong lầm lỗi và thiếu sót. Dù tội lỗi, xấu xa đến đâu, chúng ta vẫn được Thiên Chúa tặng ban Đấng Cứu Thế. Bởi vậy, hơn bao giờ hết, trong những ngày này, chúng ta được mời gọi đứng dậy, ra khỏi bóng tối tội lỗi để cùng với Đấng Cứu Thế bước vào đời sống sung mãn trong ân sủng của Thiên Chúa.

THỨ TƯ SAU CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C

TIN MỪNG: Mt 1, 18 – 24

Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô : bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng : “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” Tất cả sự việc này xảy ra là để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ : Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy, và đón vợ về nhà.

SUY NIỆM:

Thuở còn nhỏ, thì có người sợ ma, sợ đòn. Lớn hơn một chút, thì sợ học tập thua kém bạn bè. Bước vào yêu, thì sợ bị phản bội. Ngày lập gia đình, thì sợ không tròn trách nhiệm của người sống đời gia đình. Ngày chịu chức linh mục, vị tân chức sợ  –  sợ vì ơn quá trọng đại, vì qua vị linh mục và nhờ quyền phép Chúa Thánh Thần, Con Thiên Chúa hiện diện trong trần gian trong hình bánh, hình rượu. Ngày khấn dòng, vị khấn sinh sợ, sợ vì không biết mình sống trọn vẹn được 3 lời khuyên Phúc Âm hay không? Và cả đời người, nỗi sợ lớn nhất, có lẽ là sợ chết. Bởi cuộc đời con người như bị nhấn chìm trong nỗi sợ như thế, nên lời đừng sợ của Thiên Chúa lại vang lên trong Bài Tin Mừng hôm nay.

Thật vậy, Tin Mừng có bốn cuộc truyền tin của Thiên Chúa nói với loài người. Ba cuộc truyền tin trong Tin Mừng Luca và một trong Mátthêu. Cả bốn cuộc truyền tin, thiên thần đều nói một lời trấn an: Đừng sợ! Với Tư tế Dacaria thì: Dacaria, đừng sợ! Vì lời cầu của ngươi đã được chấp nhận. Với Mẹ Maria thì: Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Với thánh Giuse thì: Giuse, đừng sợ! Vì thai nhi nơi bà Maria là do quyền phép Chúa Thánh Thần. Và với các mục đồng thì: Đừng sợ! Ta báo cho các ngươi một tin mừng trọng đại.

Đừng sợ, đó cũng chính là lệnh truyền mà sau này, khi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu thường ngỏ với các môn đệ. Chính cả cuộc đời của thánh Giáo hoàng Gioan Phaol ô II, trải dài trên 26 năm lãnh đạo, ngài không ngừng nhắc lại với thế giới rằng: Đừng sợ! Đừng sợ đón nhận Chúa Kitô đến với mình. Tại sao lại sợ khi đón nhận Chúa Kitô? Thưa, vì giống như thánh Giuse khi xin vâng đón nhận kế hoạch của Thiên Chúa, đón nhận Mẹ Maria, đón nhận Chúa Giêsu, thì cả cuộc đời của thánh Giuse là vác thập giá.

Ấy vậy mà, vẫn có nhiều Kitô hữu sợ sệt, để rồi chọn thái độ buông xuôi, đánh mất niềm tin vào Chúa, thậm chí bỏ Chúa luôn: trong đau khổ không đến với Chúa, nhưng lại đến với thần nọ, kêu cầu thần kia. Lại có những người nghi ngờ, thất vọng, để rồi buồn chán buông mình chìm trong men rượu, bỏ mặc đến đâu thì đến.

Vậy thì, chúng ta phải làm gì đây? Thưa, nơi đâu có Chúa Giêsu, ở đó có bình an. Thánh Giuse chọn làm theo ý Chúa, chọn Chúa Giê su vào ý định của cuộc đời, thánh Giuse bình an trong thử thách. Chúng ta cần phải đến với Chúa Giêsu, luôn chọn Chúa Giêsu hiện diện ngay chính trong trung tâm con thuyền cuộc đời mình, qua việc đón nhận Lời Chúa và Thánh Thể làm Thần Lương trên hành trình vượt biển trần thế này.

Xin cho mỗi người chúng ta luôn ý thức rằng: con thuyền đời của chúng ta, sẽ giống con thuyền đời của thánh Giuse, khi có Chúa Giêsu là Thuyền Trưởng, có cột buồm là thánh giá, và với câu slogan trên mạn thuyền: đừng sợ. Amen.

THỨ NĂM SAU CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C

TIN MỪNG: Lc 1, 5 – 25

Thời vua Hê-rô-đê cai trị miền Giu-đê, có một vị tư tế thuộc nhóm A-vi-gia, tên là Da-ca-ri-a ; vợ ông tên là Ê-li-sa-bét cũng thuộc dòng tộc tư tế A-ha-ron. Hai ông bà đều là người công chính trước mặt Thiên Chúa, sống đúng theo mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa, không ai chê trách được điều gì. Nhưng họ lại không có con, vì bà Ê-li-sa-bét là người hiếm hoi, và cả hai đều đã cao niên.

Vậy một ngày kia ông Da-ca-ri-a đang lo việc tế tự trước nhan Thiên Chúa khi đến phiên của nhóm ông. Theo tục lệ của hàng tư tế, ông đã trúng thăm được vào dâng hương trong Đền Thờ của Đức Chúa. Trong giờ dâng hương đó, toàn thể dân chúng cầu nguyện ở bên ngoài.

Bấy giờ một sứ thần của Chúa hiện ra với ông, đứng bên phải hương án. Thấy vậy, ông Da-ca-ri-a bối rối, và phát sợ. Nhưng sứ thần bảo ông : “Này ông Da-ca-ri-a, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin : bà Ê-li-sa-bét vợ ông sẽ sinh cho ông một con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gio-an. Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng được hỷ hoan vì con trẻ chào đời. Vì em sẽ nên cao cả trước mặt Chúa. Em sẽ không uống rượu và thức có men. Em sẽ được đầy Thánh Thần ngay khi còn trong lòng mẹ. Em sẽ đưa nhiều con cái Ít-ra-en về với Đức Chúa là Thiên Chúa của họ. Được đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Ê-li-a, em sẽ đi trước mặt Chúa, để đưa tâm hồn cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa.” Ông Da-ca-ri-a thưa với sứ thần : “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy ? Vì tôi đã già, và nhà tôi cũng đã cao niên.” Sứ thần đáp : “Tôi là Gáp-ri-en, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, tôi được sai đến nói với ông và loan báo tin mừng ấy cho ông. Này đây ông sẽ bị câm, không nói được, cho đến ngày các điều ấy xảy ra, bởi vì ông đã không tin lời tôi, là những lời sẽ được ứng nghiệm đúng thời đúng buổi.” Dân chúng đợi ông Da-ca-ri-a, và lấy làm lạ sao ông ở lại trong cung thánh lâu như thế. Lúc đi ra, ông không nói với họ được, và họ biết là ông đã thấy một thị kiến trong cung thánh. Còn ông, ông chỉ làm hiệu cho họ và vẫn bị câm.

Khi thời gian phục vụ đã mãn, ông trở về nhà. Ít lâu sau, bà Ê-li-sa-bét vợ ông có thai, bà ẩn mình năm tháng. Bà tự nhủ : “Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi Người đoái thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời.”

SUY NIỆM:

Sau khi nguyên tổ – Ađam, Evà phạm tội, Thiên Chúa không bỏ loài người, nhưng Thiên Chúa hứa ban Đấng cứu chuộc. Chúng ta hãy nghe lại lời Chúa nói với con rắn – đại diện của ma quỷ: Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người đàn bà; giữa dòng dõi mi và dòng dõi người ấy. Dòng dõi ấy sẽ đạp nát đầu mi. Kể từ đó, không chỉ mọi thiếu nữ Do thái đều ước mong: chính mình là mẹ Đấng cứu chuộc; mà tất cả các gia đình đều ước mong như vậy. Chính vì thế, đông con nhiều cháu là phúc lành từ Thiên Chúa ban, như lời thánh vịnh 127: Hiền thê người tựa gốc nho sai trái, trong nội thất nhà người. Con cái người như đám cây ôliu, xum xuê quanh mâm bàn người; còn gia đình nào không có con, gia đình son sẻ, đó là một nỗi ô nhục, một dấu chỉ không được chúc lành.

Chúng ta vừa lắng nghe bài Tin Mừng trình thuật biến cố truyền tin cho ông Dacaria. Ông Dacaria là một tư tế thuộc nhóm Avia, nhóm thứ 8 trong 24 nhóm tư tế, mà Vua Đavít đã lập để phục vụ Đền thờ, và vợ ông là bà Êlisabet, cả hai đều là người công chính. Thế nhưng, họ lại không có con, vì bà Êlisabet là người son sẻ: Cây khô không lộc, người độc không con mà, không có con, nghĩa là không được phúc lành từ Thiên Chúa. Chắc chắn, ông Dacaria hằng khẩn cầu xin Chúa cho có con, nhưng khi Chúa ban cho ông điều ông xin, ông lại không tin. Đó là lời cầu nguyện nửa vời, không tin vào điều mình cầu xin, cầu nguyện mà thiếu vắng đức tin.

Trong đời sống cầu nguyện, chúng ta cũng thường bị rơi vào thái độ giống như ông Dacaria, cầu nguyện còn kém tin vào Chúa lắm. Thật vậy, nơi các gia đình trẻ hôm nay, nhiều thách đố, nhiều đau khổ xảy ra: nào là thách đố về chung thủy vợ chồng; rồi giáo dục con cái – ngày nay khó lắm: chính cái smartphone làm mất cuộc đời của nhiều đứa trẻ, có những đứa 6 tuổi mà vẫn chưa nói được; có những đứa lướt điện thoại nhiều quá bị bệnh tíc – con để ý, có những em thiếu nhi lên rước lễ, không thể mở thẳng bàn tay ra được, cứ cong cong như vầy. Nhiều thách đố quá như vậy, mặc dù các cha mẹ trẻ vẫn cầu nguyện với Chúa ban phúc lành, nhưng trước những đau khổ đó, liệu có mấy ai còn vững tin khi cầu nguyện.

Trong chúng ta: có người là ông, là bà, là cha mẹ, là linh mục, là tu sỹ… có khi nào, chúng ta cầu nguyện với Chúa, cầu xin Chúa một người thân của mình – cầu hoài mà người thân của mình vẫn như vậy, thậm chí lại tệ hơn nữa! Chúng ta vẫn tin tưởng cầu nguyện, hay là bỏ cuộc?

Lạy Chúa Giêsu! Ngày mừng sinh nhật của Chúa đã gần đến, chúng con dâng lên Chúa gia đình của chúng con với những thách đố, với những khó khăn, với người thân của chúng con còn bê trễ nguội lạnh… Chúng con tin tưởng, để rồi chúng con sẽ thân thưa chúc tụng Chúa như bà Êlisabet đã thân thưa: Chúa đã cất nỗi khổ nhục của tôi khỏi người đời, và xin thêm đức tin cho chúng con.

THỨ SÁU SAU CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C

TIN MỪNG: Lc 1, 26 – 36

Khi ấy, bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.

Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói : “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

Sứ thần liền nói : “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa. Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”

Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần : “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng ?”

Sứ thần đáp : “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà ; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai : bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”

Bấy giờ bà Ma-ri-a nói với sứ thần : “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

SUY NIỆM:

Biến cố Truyền Tin đã đưa Đức Maria vào trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Khi thuật lại biến cố này, Thánh sử Luca đã viết: “Sứ thần vào nhà Trinh nữ và chào rằng: Kính chào Đấng đầy ơn phúc”. Ở đây chúng ta có cảm tưởng rằng, “đầy ơn phúc” đã trở thành như một tên riêng mới, tên mà Sứ thần Gabriel đã tặng cho Đức Maria. Vì sao Sứ thần lại gọi Đức Maria bằng tên ấy?

Theo như lời Sứ thần Gabriel thưa với Đức Maria: “vì Đức Maria đã được nghĩa với Chúa”, nên Chúa đã tuyển chọn Đức Maria làm mẹ của Đấng Cứu Thế. Bởi đó, khi đến báo tin cho Đức Maria về sự tuyển chọn này của Thiên Chúa, thì Sứ thần đã thấy rõ: Maria là người có phúc, vì Thiên Chúa ở cùng Mẹ. Vậy thì, có Thiên Chúa ở cùng, đó là hạnh phúc tuyệt hảo. 

Cùng đích của mọi khát vọng của chúng ta là được hưởng hạnh phúc Thiên Đàng, mà hạnh phúc Thiên Đàng hệ tại điều gì? Có phải là tiền của không, có phải là giàu sang không, có phải là danh vọng không, có phải là chức quyền không? Chắc chắn là không. Hạnh phúc Thiên Đàng hệ tại ở chỗ là có Chúa và được Chúa ở cùng.

Có phải là kết thúc cõi đời dương thế này, chúng ta mới được hưởng hạnh phúc đó không? Thưa không. Mà ngay bây giờ, ngay từ đời này, chúng ta đã bắt đầu cảm nếm hạnh phúc đó rồi, nếu chúng ta biết để cho Chúa ở cùng chúng ta.

Một chút nữa đây, chính Ngôi Lời của Thiên Chúa, là Chúa Giêsu, sẽ ngự vào trong tâm hồn chúng ta. Lúc đó, chúng ta đâu có khác gì Đức Maria sau biến cố Truyền Tin, nghĩa là Mình Máu Thánh Chúa mà chúng ta lãnh nhận, cũng giống như bào Thai Giêsu, mà Đức Maria mang trong cung lòng khi xưa, và cũng chính vì bào thai ấy mà Đức Maria được xưng tụng là Đấng đầy ơn phúc.

Mùa vọng trong năm Phụng vụ của Giáo Hội sắp chấm dứt, nhưng tinh thần của mùa vọng không được chấm dứt, mà phải tồn tại mãi trong đời sống mỗi ngày của chúng ta, đặc biệt là trước những lần chúng ta rước Chúa vào tâm hồn mình. Chính những lúc đó, là lúc chúng ta phải sống lại tâm tình của các Tổ Phụ chúng ta, tâm tình mong đợi, tâm tình chờ mong Đấng Cứu Thế giáng trần. 

Và lời cầu xin của chúng ta trong lúc ấy, cũng phải là: “Maranatha – Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”.  Chúa đến để làm cho chúng ta được đầy ơn phúc, Chúa đến để làm cho chúng ta được hưởng niềm hạnh phúc Thiên Đàng.

Nhưng để cho lời cầu xin trên đây được Chúa nhậm lời, chúng ta phải dẹp bỏ những gì làm cản trở việc Chúa đến, đó là những tội lỗi của chúng ta. Hãy bắt tay vào việc đó ngay từ bây giờ, bằng cách bày tỏ lòng thống hối ăn năn của chúng ta. Chỉ có như thế, chúng ta mới xứng đáng được gọi là người đầy ơn phúc.

THỨ BẢY SAU CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C

TIN MỪNG: Lc 39 – 45

Hồi ấy, bà Ma-ri-a lên đường, vội vã đi đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào bà Ê-li-sa-bét. Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy Thánh Thần. Bà Ê-li-sa-bét kêu lớn tiếng và nói rằng : “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này ? Quả thật, này tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vì vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”

SUY NIỆM:

Trong những ngày này, niềm vui chuẩn bị mừng đại lễ Chúa Giáng Sinh đang tràn ngập khắp nơi trên thế giới. Nhiều người đã trao tặng cho nhau những món quà, những cánh thiệp, để biểu lộ niềm vui đó! Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, tường thuật việc Mẹ Maria lên đường thăm viếng bà Isave. Mẹ Maria được tràn ngập niềm vui, bởi vì trong cung lòng của Mẹ, một Đấng Cứu Thế mà toàn dân mong đợi đang ngự trị. Niềm vui ấy dẫn Mẹ đến thái độ tôn thờ, yêu mến, nhưng Mẹ lại không giữ cho riêng mình, mà đã ra đi và đem niềm vui có Chúa đến cho người khác.

Nếu ngày xưa, khi Hòm Bia Thiên Chúa lưu lại tại nhà ông Ôvết Êđom, và đã ban cho gia đình ông nhiều phúc lành. Thì giờ đây, Mẹ Maria chính là Hòm Bia Thiên Chúa, cũng mang tin vui và bình an của Chúa đến cho gia đình ông Dacaria; trẻ thơ Gioan thì nhảy mừng trong dạ mẹ, còn bà Isave được tràn đầy Thánh Thần. Trong tâm hồn Mẹ Maria có Chúa, và Mẹ đã không muốn giữ Chúa lại cho riêng mình, mà đã chia sẻ niềm vui có Chúa cho người khác. Hơn nữa, Mẹ là mẫu gương đón nhận gian khổ, hy sinh trong tinh thần phục vụ. Có thể nói, Mẹ là người nữ truyền giáo đầu tiên.

Lời Chúa hôm nay, mời gọi mỗi người chúng ta hãy noi gương Mẹ Maria: khi đã có Chúa trong tâm hồn, hãy mau mắn lên đường đem Chúa đến cho người khác. Hãy loan báo Tin Mừng: hãy mang tin bình an, tin hy vọng, tin hạnh phúc đến với mọi người, dẫu có gặp nhiều trắc trở chông gai.

Trong những ngày cận kề đón mừng Chúa Giáng Sinh, chúng ta hãy gạt bỏ những rào cản, đó là: những hận thù, chia rẽ, kiêu ngạo, ghét ghen, gian dối, bất an, hầu cho tâm hồn được bình an, thánh thiện và trong sạch, để xứng đáng đón Chúa ngự đến. Đồng thời, noi gương Mẹ Maria, khi tâm hồn đã có Chúa, chúng ta sẵn sàng vượt qua mọi gian khó hiểm nguy, và lên đường đem Chúa đến cho người khác. Khi chúng ta làm được như thế, Chúa Giêsu Hài Đồng sẽ lớn lên trong tâm hồn chúng ta, qua những cử chỉ yêu thương và phục vụ hằng ngày của mình.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con sắp rước Mình và Máu Chúa ngự vào trong tâm hồn chúng con, xin Chúa thanh tẩy, để tâm hồn chúng con xứng đáng được Chúa ngự đến, như xưa Chúa đã ngự xuống trong cung lòng Mẹ Maria. Xin cho chúng con luôn biết mang Chúa đến cho người khác và sẵn sàng hy sinh phục vụ vì hạnh phúc của tha nhân, hầu cho mọi người cảm nhận được niềm vui, được bình an và hạnh phúc khi có Chúa ở cùng và sống với họ. Amen.

LM. GIUSE