THỨ HAI TRONG TUẦN V PHỤC SINH NĂM C
TIN MỪNG: Ga 14, 21 – 26
21 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.”
22 Ông Giu-đa, không phải Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, nói với Đức Giê-su : “Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian ?” 23 Đức Giê-su đáp : “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. 24 Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. 25 Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. 26 Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.”
SUY NIỆM:
YÊU ĐỂ THẤY CHÚA TRONG MỌI SỰ
Có một sự thật tuyệt vời trong đời sống thiêng liêng: tình yêu chính là cặp mắt giúp chúng ta nhận ra Chúa. Chúa Giêsu đã nói rất rõ trong Tin Mừng hôm nay: “Ai yêu mến Thầy… Thầy sẽ tỏ mình ra cho người ấy.” Điều đó có nghĩa là, chỉ khi có tình yêu, chúng ta mới có thể “thấy” Chúa không phải bằng đôi mắt thể lý, nhưng bằng ánh sáng đức tin và trái tim biết rung động trước sự hiện diện âm thầm nhưng sống động của Người.
Trong thực tế cuộc sống, chúng ta thường nhìn mọi sự vật và biến cố qua nhiều góc độ, hay nói cách khác là nhiều cấp độ khác nhau. Khi nhìn vào một chiếc áo lễ, ở cái nhìn đầu tiên, ta chỉ thấy đó là một chiếc áo trắng đẹp, được may bằng vải tốt, có giá trị sử dụng và thẩm mỹ. Nhưng sâu xa hơn, khi tâm hồn được đánh động, ta sẽ nhớ đến người đã trao tặng chiếc áo ấy nhân dịp chịu chức linh mục, một người thân yêu, một tấm lòng quý mến. Lúc này, chiếc áo không còn đơn thuần là vật chất, mà đã trở thành biểu tượng của tình thương và kỷ niệm thiêng liêng.
Và nếu ta nhìn sâu hơn nữa, bằng ánh mắt đức tin, chúng ta sẽ nhận ra tình yêu của Thiên Chúa ẩn chứa trong từng đường kim mũi chỉ. Chính Chúa đã ban cho con người trí tuệ để khám phá ra kỹ thuật dệt vải, đã dựng nên vũ trụ cùng muôn vàn nguyên liệu, để từ đó hình thành nên tấm vải kia. Và cũng chính Chúa đã yêu thương gọi ta bước vào chức linh mục, để hôm nay, chiếc áo không chỉ là y phục, mà là dấu chỉ của một ơn gọi, một sứ mạng, một tình yêu cao cả từ trời ban xuống.
Tương tự như vậy, các biến cố xảy đến trong cuộc đời cũng có nhiều cấp độ để nhìn nhận. Có người chỉ dừng lại ở bề mặt sự việc, coi đó là một chuyện xui rủi hay may mắn thoáng qua. Có người nhìn xa hơn, nhận ra sự nâng đỡ, ủi an từ người thân, bạn bè khi họ trải qua gian khó. Nhưng có những tâm hồn sâu sắc hơn, khi được ánh sáng đức tin soi dẫn, sẽ nhận ra bàn tay đầy yêu thương của Thiên Chúa đang âm thầm dìu dắt, giáo dục, và uốn nắn họ qua từng biến cố. Những điều tưởng như ngẫu nhiên, hóa ra lại là phương tiện Chúa dùng để nói với họ một bài học, để thể hiện một tình yêu dịu dàng mà sâu lắng.
Thật vậy, chỉ những ai có cặp mắt của đức tin và một trái tim biết yêu thương mới có thể nhận ra Chúa đang tỏ mình ra trong từng con người, trong từng hoàn cảnh, và trong cả những điều nhỏ bé tưởng chừng vô nghĩa. Tình yêu làm cho ta nhạy bén trước sự hiện diện của Thiên Chúa, và giúp ta nhận ra rằng Người đang hiện diện, đang hành động trong cuộc đời ta một cách âm thầm nhưng đầy quyền năng.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một trái tim biết yêu, và một ánh mắt biết nhìn bằng đức tin, để giữa những ồn ào và bộn bề của cuộc sống, chúng con vẫn nhận ra Chúa đang hiện diện trong từng người chúng con gặp, trong từng biến cố chúng con trải qua, và trong từng ơn lành âm thầm Chúa vẫn tuôn đổ mỗi ngày. Xin cho chúng con biết sống yêu thương, để càng yêu, chúng con càng thấy Chúa rõ hơn. Amen.
THỨ BA TRONG TUẦN V PHỤC SINH NĂM C
TIN MỪNG: Ga 14, 27 – 31a
27 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. 28 Anh em đã nghe Thầy bảo : ‘Thầy ra đi và đến cùng anh em’. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. 29 Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.
30 “Thầy sẽ không còn nói nhiều với anh em nữa, bởi vì Thủ lãnh thế gian đang đến. Đã hẳn, nó không làm gì được Thầy. 31a Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy.”
BÌNH AN CỦA CHÚA
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy, bình an không như thế gian ban tặng.” Câu nói ngắn gọn ấy mở ra một chân trời sâu xa về một thứ bình an khác biệt, một bình an đến từ Đấng Phục Sinh, không giống với những gì thế gian thường nghĩ về sự an yên. Từ lời Chúa này, chúng ta cùng suy niệm hai điểm: bình an của Chúa khác với bình an của thế gian, và làm sao để có được bình an ấy trong đời sống hằng ngày.
Trước hết, bình an của Chúa khác với bình an của thế gian. Bình an theo kiểu thế gian thường được hiểu là một cuộc sống không có biến cố tiêu cực, không gặp xui xẻo, gia đình được êm ấm, làm ăn phát đạt, không vướng mắc hay mâu thuẫn với ai. Đó là thứ bình an dựa trên những điều kiện bên ngoài: càng ít sóng gió, người ta càng cảm thấy “bình an”.
Nhưng bình an mà Chúa Giêsu ban cho lại không nằm ở hoàn cảnh, mà từ trong sâu thẳm của tâm hồn, dù sống giữa bão tố, nhưng tâm vẫn an. Đó là sự bình an ngay cả khi chúng ta đối diện với khổ đau, mất mát, bất công hay sự dữ luân lý như sự phản bội, nghiện ngập, bạo hành, hoặc chính cái chết cận kề. Bình an ấy không đến từ việc mọi chuyện “êm xuôi”, mà đến từ niềm xác tín rằng Thiên Chúa vẫn hiện diện, vẫn yêu thương và vẫn đồng hành với ta, ngay trong đau khổ.
Hình ảnh tuyệt vời cho sự bình an ấy là thánh nữ Mônica, bổn mạng của các hiền mẫu. Chồng bà là người vũ phu, con trai lại sống phóng túng, trụy lạc. Bà có đủ lý do để buông xuôi hay rời bỏ gia đình để tìm một cuộc sống khác dễ chịu hơn. Nhưng bà vẫn kiên nhẫn, vẫn cầu nguyện, vẫn trung thành, và vẫn bình an. Chỉ có thể là bình an đến từ Thiên Chúa mới giúp bà sống như thế. Một thứ bình an không ai có thể cướp mất, kể cả nghịch cảnh.
Vậy làm sao để chúng ta có được sự bình an của Chúa?
Trước tiên, điều đó bắt đầu từ lý trí. Chúng ta cần học hỏi Kinh Thánh, giáo lý, giáo huấn của Hội Thánh để hiểu rõ hơn về Thiên Chúa mà mình tôn thờ. Chúng ta tin vào một Thiên Chúa là Cha, một người Cha quyền năng, yêu thương, và đầy lòng xót thương. Nếu ta thật sự ý thức và xác tín mạnh mẽ rằng Cha mình là Đấng toàn năng, thì còn điều gì khiến ta sợ hãi? Niềm xác tín ấy làm phát sinh bình an trong tâm hồn.
Nhưng bình an không chỉ đến từ kiến thức. Nó còn đến từ con tim yêu mến. Khi yêu mến Chúa thật lòng, ta sẽ bám víu vào Người trong mọi hoàn cảnh. Như thánh nữ Mônica yêu mến Chúa, nên bà mới kiên trì cầu nguyện suốt hàng chục năm cho chồng và con, và tình yêu ấy đã đem lại bình an trong chính những đau khổ lớn lao nhất của đời bà. Hay như thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Ngài vẫn sống bình an và tươi vui giữa những ganh ghét, hiểu lầm trong tu viện, chỉ vì trong lòng Ngài luôn cháy bỏng tình yêu dành cho Chúa.
Bình an mà Chúa Giêsu ban là một món quà quý giá, không phải ai cũng dễ dàng nhận ra, càng không thể mua được bằng tiền. Nhưng khi chúng ta bước đi trong đức tin, dùng lý trí để hiểu biết Chúa, và lấy tình yêu để gắn bó với Người, thì chúng ta sẽ từ từ cảm nghiệm được sự bình an ấy thấm vào từng biến cố, từng bước chân trong hành trình sống.
Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con cảm nhận rõ hơn đâu là sự bình an đích thực. Và xin Chúa ban cho chúng ta một đức tin vững vàng, một lý trí biết tìm hiểu Chúa, và một trái tim yêu mến Ngài, để mỗi ngày sống của chúng đều được nâng đỡ bởi bình an của Chúa, một bình an vượt lên trên mọi nghịch cảnh của cuộc sống. Amen.
THỨ TƯ TRONG TUẦN V PHỤC SINH NĂM C
TIN MỪNG: Ga 15, 1 – 8
1 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. 2 Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi ; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. 3 Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. 4 Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.
5 “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. 6 Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. 7 Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. 8 Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là : Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.”
SUY NIỆM:
GẮN KẾT ĐỂ SINH HOA TRÁI
Lời Chúa hôm nay mặc khải cho chúng ta một chân lý nền tảng về tương quan giữa con người và Thiên Chúa: “Thầy là cây nho, anh em là cành.” Hình ảnh ấy cho thấy cuộc sống của chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa, giống như cành nho không thể tự mình sống nếu tách lìa khỏi thân cây. Cành lìa cây thì khô héo, nhưng nếu gắn liền với cây, nó mới có thể tươi tốt và sinh hoa kết trái. Cũng vậy, đời sống thiêng liêng của chúng ta chỉ có ý nghĩa và sức sống khi được nối kết mật thiết với Chúa Kitô.
Lời mời gọi của Chúa hôm nay thật rõ ràng: hãy gắn kết đời mình với Ngài, để có thể đón nhận sự sống thần linh và sinh hoa trái trong đời sống hằng ngày.
Vậy làm sao để chúng ta có thể gắn kết với Chúa một cách cụ thể và bền vững?
Trước hết, đó là việc siêng năng lãnh nhận các bí tích, đặc biệt là bí tích Hòa Giải. Vì tội lỗi là thứ làm chúng ta xa cách Thiên Chúa, thì chính bí tích Hòa Giải là phương tiện giúp chúng ta trở lại, kết nối lại với nguồn mạch yêu thương của Ngài.
Kế đến là bí tích Thánh Thể. Khi chúng ta rước Chúa Giêsu Thánh Thể, thân xác và linh hồn chúng ta được kết hợp mật thiết với thân xác và linh hồn của Ngài. Đó không chỉ là sự gắn kết thiêng liêng, mà còn là một sự hiệp nhất sâu xa và nhiệm mầu.
Chúng ta cũng được mời gọi gắn kết với Chúa qua đời sống cầu nguyện, nhất là việc viếng Thánh Thể. Sự thinh lặng trước Chúa Giêsu Thánh Thể là nơi chúng ta kín múc sức mạnh thiêng liêng và nối lại sự hiệp thông sâu xa với Ngài.
Một cách đặc biệt nữa là việc đọc kinh chung trong gia đình. Mỗi khi các thành viên quây quần bên nhau để cầu nguyện, là lúc gia đình ấy trở thành “nhà thờ tại gia,” nơi Chúa hiện diện và ban ơn như Chính Ngài đã hứa: “Nơi nào có hai, ba người họp lại nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa họ.”
Chúng ta còn được mời gọi gắn kết với Chúa qua đời sống công bình và sự thật, bởi chính Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.” Khi sống ngay chính, công bằng, và trung thực, là lúc chúng ta bước đi trong ánh sáng của Chúa, và trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài.
Cuối cùng, gắn kết với Chúa bằng đời sống bác ái. Khi ta biết yêu thương, giúp đỡ người nghèo, người yếu thế, người bệnh tật, thì cũng chính là lúc ta gặp gỡ chính Chúa Giêsu, Đấng đã đồng hóa mình với những người bé mọn: “Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống…”
“Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” Thật vậy, không có Ngài, đời sống thiêng liêng của chúng ta sẽ khô cằn, vô nghĩa, và sớm héo úa. Nhưng nếu biết gắn bó với Ngài mỗi ngày, chúng ta sẽ được nuôi dưỡng bằng sức sống thần linh, được chan hòa trong tình yêu Thiên Chúa, và chắc chắn sẽ sinh nhiều hoa trái thánh thiện trong đời sống thường nhật.
Lạy Chúa, Xin cho mỗi người chúng con biết gắn kết mật thiết với Chúa Kitô như cành nho gắn liền với Cây để đời sống của chúng con không ngừng sinh hoa trái trong yêu thương, công bình, và thánh thiện. Amen.
THỨ NĂM TRONG TUẦN V PHỤC SINH NĂM C
TIN MỪNG: Ga 15, 9 – 11
9 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. 10 Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. 11 Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.”
SUY NIỆM:
Ở Lại Trong Tình Thương của Chúa
Lời Chúa hôm nay vang lên như một lời mời gọi tha thiết: “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.” Đây không chỉ là một lời mời nhẹ nhàng, mà còn là một chỉ dẫn rõ ràng cho đời sống Kitô hữu: để có thể ở lại trong tình thương của Chúa, chúng ta cần tuân giữ lời Ngài. Tuân giữ lời Chúa không chỉ là sống đạo đức cá nhân, mà còn là cách để chúng ta lan tỏa tình thương Thiên Chúa đến môi trường xung quanh, biến đổi cả cộng đồng và thế giới.
Thật vậy, mỗi khi người Công Giáo chúng ta sống tuân giữ lời Chúa dạy, thì đó là lúc chúng ta không chỉ được sống trong tình thương của Ngài, mà còn làm cho chính nơi mình sống, nơi mình làm việc và sinh hoạt được thấm đẫm tình yêu đó. Nếu mỗi người trong gia đình biết tuân giữ lời Chúa để sống yêu thương, tha thứ, nhẫn nại và hy sinh thì gia đình ấy sẽ trở thành tổ ấm của tình yêu Thiên Chúa, nơi mọi thành viên sẽ cảm nhận được sự hiện diện của Ngài qua từng cử chỉ nhỏ bé thường ngày.
Nếu chúng ta biết tuân giữ lời Chúa trong môi trường làm việc hay học tập qua việc sống trung thực, trách nhiệm, biết tôn trọng và nâng đỡ nhau, thì chính nơi đó sẽ trở nên một không gian thấm nhuần tình thương của Chúa. Người khác sẽ cảm nhận được sự bình an và sự hiện diện của Chúa qua chính cách sống của chúng ta.
Nếu mỗi người tuân giữ lời Chúa trong đời sống cá nhân, siêng năng cầu nguyện, biết lắng nghe Lời Chúa, chọn lựa điều thiện… thì chính tâm hồn chúng ta sẽ tràn ngập niềm vui và bình an đích thực, vì đó là hoa trái của việc chúng ta đang ở lại trong tình thương của Chúa.
Và nếu cả cộng đoàn xóm làng, giáo xứ cùng nhau sống theo lời Chúa, thì tương quan giữa người với người sẽ được thắt chặt trong tình hiệp nhất, tha thứ và đùm bọc nhau. Lúc ấy, giáo xứ sẽ thật sự là một gia đình thiêng liêng, một cộng đoàn đức tin sống động và chan chứa tình yêu.
Lời Chúa hôm nay không chỉ mời gọi chúng ta “ở lại” trong tình thương Chúa như một ân huệ dành riêng cho cá nhân, mà còn mời gọi chúng ta trở thành khí cụ để người khác cũng được ở lại trong tình thương đó. Chúng ta không thể giữ tình yêu của Chúa cho riêng mình; tình yêu ấy, một khi được đón nhận cách chân thành, sẽ luôn thôi thúc ta chia sẻ và lan tỏa.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một tâm hồn luôn lắng nghe và tuân giữ lời Chúa. Xin cho lời Chúa thấm nhập vào từng ngóc ngách của đời sống chúng con, để ở bất cứ nơi đâu trong gia đình, nơi làm việc, giáo xứ hay xã hội, chúng con không chỉ ở lại trong tình thương của Chúa, mà còn giúp mọi người xung quanh cũng được ở lại trong tình thương ấy. Amen.
THỨ SÁU TRONG TUẦN V PHỤC SINH NĂM C
TIN MỪNG: Ga 15, 12 – 17
12 Khi ấy, đến giờ lìa bỏ thế gian mà về với Chúa Cha, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Đây là điều răn của Thầy : anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 13 Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. 14 Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. 15 Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.
16 “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. 17 Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.”
SUY NIỆM:
TÌNH BẠN VỚI CHÚA
Trong truyền thống Do Thái, con người thường gọi Thiên Chúa là “Chúa Tể” (Adonai), còn con người là “tôi tớ”. Cách xưng hô thể hiện sự kính sợ và khoảng cách linh thánh giữa con người và Đấng Toàn Năng. Thế nhưng hôm nay, trong đoạn Tin Mừng Gioan mà chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu lại tuyên bố một lời đầy thân mật và cảm động: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ… nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu.”
“bạn hữu” không chỉ là một cách gọi trìu mến, mà là một mặc khải sâu xa về tình thương của Chúa, là một mời gọi con người bước vào một tương quan thân tình, chia sẻ và hiệp thông với Ngài.
Tình bạn với Chúa không phải là một mối tương quan ngang hàng, nhưng là đi vào mối tương quan có chia sẻ và đồng hành. Ngài chia sẻ với chúng ta mọi điều Ngài nghe được nơi Chúa Cha. Là bạn hữu của Chúa nghĩa là chúng ta được bước vào trái tim của Ngài, cuộc sống của Ngài, nơi chất chứa yêu thương, tha thứ, cả những thao thức và đau khổ mà Ngài đã mang trong cuộc sống để cứu độ con người.
Tình bạn ấy cũng không phải chỉ là một đặc ân, mà còn là một trách nhiệm. Là bạn của Chúa chúng ta được mời gọi phải sống theo đường lối của Chúa, yêu thương con người như Ngài đã yêu, và hiến mạng sống cho người khác như Ngài đã làm. Nhưng đồng thời, đó cũng là niềm vui sâu xa, niềm vui được chia sẻ và tham dự chương trình cứu độ con người.
Tình bạn chân thật luôn được thử thách trong nghịch cảnh. Chúa Giêsu đã trung thành với chúng ta đến cùng, và mời gọi chúng ta cũng kiên vững với Ngài, kể cả khi cảm thấy Ngài im lặng hay vắng bóng. Dù chúng ta yếu đuối, phản bội hay bỏ Ngài, Chúa vẫn hiện diện âm thầm và trung tín, như người bạn không rời xa lúc ta lạc bước.
Hôm nay, Chúa vẫn đang gọi mỗi người chúng ta là “bạn hữu” của Ngài. Ngài chờ đợi chúng ta không chỉ như một tín đồ giữ luật, mà như một người bạn thân thiết, biết lắng nghe, biết chia sẻ và cùng đi với ngài trọn hành trình yêu thương.
Lạy Chúa Giêsu, con cảm tạ Chúa đã gọi con là bạn. Xin giúp con biết sống tình bạn ấy mỗi ngày qua việc lắng nghe lời Ngài, chia sẻ sứ mạng của Ngài, và trung thành với Ngài dù trong thử thách. Amen.
THỨ BẢY TRONG TUẦN V PHỤC SINH NĂM C
TIN MỪNG: Ga 15, 18 – 21
18 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. 19 Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em. 20 Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em : tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em. 21 Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy.”
SUY NIỆM:
Làm chứng trong âm thầm và kiên vững
Làm chứng cho Chúa Kitô không phải là một việc tùy chọn, mà là bổn phận thiết yếu của người Kitô hữu. Khi Chúa Giêsu phục sinh và trước khi về trời, Ngài đã trối lại sứ mạng ấy cho các môn đệ: “Anh em hãy là chứng nhân của Thầy.” Nhưng làm chứng cho Chúa trong thời đại hôm nay không hề dễ dàng. Chính Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Nếu thế gian ghét anh em, hãy nhớ rằng nó đã ghét Thầy trước.”
Làm môn đệ Chúa là chấp nhận đi ngược với thế gian. Không phải để được khen ngợi, tán thưởng, mà là để trung tín sống theo giá trị của Tin Mừng, cho dù có bị hiểu lầm, từ chối hay thua thiệt.
Trong xã hội hôm nay, nhất là tại Việt Nam, chúng ta không còn đối diện với những cuộc bách hại đẫm máu như thời xưa. Nhưng lại xuất hiện một kiểu “tử đạo thầm lặng”: làm việc lương thiện nhưng không được trọng dụng; sống trung thực nhưng bị coi là ngây ngô, khờ khạo; nói sự thật thì bị ghét bỏ, loại trừ; giữ vững niềm tin thì bị chê là bảo thủ, lạc hậu; sống giản dị, tiết kiệm để chia sẻ với người nghèo thì lại bị chê bai là keo kiệt, không biết hưởng thụ; sống trung thành trong tình cảm gia đình và đời tu thì bị cười là bỏ lỡ “cơ hội” hưởng thụ tự do; sống liêm chính, không nhận đút lót, thì bị xem là không biết “mở cửa” làm ăn…
Những điều đó là những hy sinh lặng lẽ, không ai biết đến, không ai vỗ tay. Nhưng chính trong sự âm thầm đó, chúng ta đang làm chứng cho Chúa, không phải bằng lời nói hay bài giảng hùng hồn, mà bằng chính lối sống khiêm nhường, giản dị mỗi ngày.
Vì vậy, để có thể kiên vững trong cuộc sống, đòi hỏi mỗi người chúng ta cần phải sống kết hợp với Chúa trong Bí tích Thánh Thể để được Ngài nuôi dưỡng; lắng nghe Lời Chúa để được Ngài hướng dẫn, bảo ban; chuyên chăm cầu nguyện để giữ lòng bình an trước những thử thách.
Sống đạo giữa đời chưa bao giờ là dễ dàng. Nhưng mỗi hành động nhỏ, sống đúng với lương tâm và theo ánh sáng Tin Mừng thì dù không ai nhìn thấy nhưng đó lại là một lời chứng âm thầm và mạnh mẽ hơn mọi bài giảng.
Lạy Chúa Giêsu, Xin cho con biết sống đức tin một cách âm thầm mà trung tín. Dù có bị hiểu lầm, bị thiệt thòi, hay rơi vào cô đơn, xin cho con luôn vững lòng, vì biết rằng Chúa vẫn ở bên con từng ngày để mỗi người chúng con, qua cuộc sống thường ngày mỗi người sẽ là một chứng tá sống động cho Chúa giữa đời. Amen.
LM. PHAOLO